Bị Công Tôn Át dùng tên bắn chết Dĩnh Khảo Thúc

Năm 712 TCN, Trịnh Trang công hội với Lỗ Ẩn công ở đất Thời Lai (時來) bàn việc đánh nước Hứa. Đến ngày hẹn, Tề và Lỗ cùng tới đất Thời Lai để hội quân với Trịnh đi đánh Hứa. Trịnh Trang công tổ chức một cuộc duyệt binh để biểu dương sức mạnh quân Trịnh. Ông liền sai người làm một lá cờ bằng gấm mỗi bề dài một trượng hai, xung quanh có hai mươi bốn cái lục lạc bằng đồng và giữa lá cờ đề bốn chữ: "Phụng Thiên Thảo Tội", cán cờ dài hơn ba trượng và cắm trên một cỗ xe rất lớn. Trịnh Trang công truyền rằng nếu ai có thể cầm lá cờ này vừa đi vừa vẫy như chẳng có gì thì ông sẽ cho người đó được làm tướng tiên phong, đồng thời tặng một cỗ xe lớn. Lệnh vừa ban ra thì quan Đại phu Hà Thúc Doanh (瑕叔盈) xin được thử sức, ông dùng hai tay nâng cán cờ rồi cầm nó đi ba vòng và cắm lại vào chiếc xe. Hai bên quân sĩ liền vỗ tay rèo hò ầm ĩ, Hà Thúc Doanh đang tiến tới Trịnh Trang công nhận thưởng thì Dĩnh Khảo Thúc nói mình còn làm được hơn thế này. Dĩnh Khảo Thúc nói dứt lời, bước tới xăn tay áo nhổ cán cờ lên múa tít như múa một cây trường thương. Lá cờ lúc mở ra, lúc cuốn lại uốn theo chiều gió trông rất đẹp mắt. Ai trông thấy cũng phải kinh ngạc và tỏ lòng khâm phục. Trịnh Trang công khen Dĩnh Khảo Thúc là một hổ thần, rồi trao ấn tín tiên phong cùng xe cho ông. Công Tôn Át liền nói mình cũng có thể làm được như Dĩnh Khảo Thúc, dứt lời định nhảy lên giựt lấy lá cờ nhưng Dĩnh Khảo Thúc đã đánh xe chạy đi mất. Công Tôn Át đuổi theo không kịp, lúc trở về thì vẻ mặt lộ rõ sự tức giận. Vốn từ lâu Công Tôn Át không ưa gì Dĩnh Khảo Thúc, nay nhân vụ cầm cờ này mà gã lại càng thêm ghét ông. Trịnh Trang công thấy hai tướng tranh nhau như vậy là không ổn, liền tặng cho Công Tôn Át và Hà Thúc Doanh hai cỗ xe ngựa khác.

Tháng bảy năm ấy, Trịnh Trang công giao việc trìều chính cho Thế tử Hốt và cùng hai nước Tề và Lỗ tiến binh đánh Hứa. Tề Hy công lấy một tờ hịch kể tội nước Hứa không triều cống nhà Chu rồi ba nước cùng chia nhau vây thành. Nước Hứa là một nước nhỏ nhưng nhờ vua nước Hứa là một người nhân từ nên dân trong nước ai cũng đều mến yêu, họ ra sức cố thủ và khiến cho quân ba nước không thể phá nổi thành. Tề và Lỗ chỉ đánh cầm chừng, duy có Trịnh công thành rất dữ dội. Dĩnh Khảo Thúc xông lên phá vòng vây, một tay cầm cờ, một tay cầm thương trèo lên thành nước Hứa. Công Tôn Át trông thấy, sợ Dĩnh Khảo Thúc giành được công lao, gã bèn lắp tên bắn lén Dĩnh Khảo Thúc khiến ông bị té xuống đất và bỏ mạng. Hà Thúc Doanh đi sau tưởng Dĩnh Khảo Thúc bị quân Hứa bắn, bèn giật lấy cây cờ rồi nhảy lên thành hô lớn cho binh sĩ nước Trịnh xông vào. Quân Tề và Lỗ liền thúc quân cùng đánh mạnh vào, chiếm được thành nước Hứa. Vua nước Hứa liền bỏ chạy qua nước Vệ. Lấy được nước Hứa, Trịnh Trang Công chia nước Hứa ra làm hai. Một nửa giao cho Tân Thần (新臣, em của vua nước Hứa) và để Bách Lý (百里) phò tá, một nửa giao cho Công Tôn Hoạch (公孙獲) quản lý. Bề ngoài là giúp nước Hứa, nhưng thực chất bên trong là giám sát hoạt động để cai trị.

Trịnh Trang công về nước khao thưởng cho ba quân, nhưng trong lòng buồn bã vì cái chết của Dĩnh Khảo Thúc. Ông nghĩ mãi mà không biết ai đã bắn chết Dĩnh Khảo Thúc, bèn truyền bọn tướng sĩ làm lễ tế long trọng cho Dĩnh Khảo Thúc rồi đồng thời đọc văn tế nguyền rủa kẻ đã bắn chết ông. Công Tôn Át trông thấy cảnh tượng đó thì bịt miệng cười thầm. Lễ nguyền rủa cử hành được ba ngày thì bỗng có một người đầu bù tóc rối, chạy đến trước mặt Trịnh Trang công quỳ tâu:

"Tôi là Dĩnh Khảo Thúc. Lúc đánh nước Hứa, nhảy lên mặt thành thì bị tên gian thần Tử Đô hiềm việc giành xe nên đã bắn lén tôi. Tôi đã xin Thượng Đế bắt nó đền mạng. Xin Chúa công thấu rõ ẩn tình, thì dầu ở dưới suối vàng hồn tôi cũng được an ủi."

Nói xong, kẻ ấy lấy tay móc họng, máu tuông lai láng rồi ngã xuống đất chết ngay lập tức. Trịnh Trang công thất kinh, xem lại thì đó không phải người đàn bà mà lại là Công Tôn Át, ông liền cho người cứu chữa nhưng đã muộn. Nhờ việc đó Trịnh Trang công biết được người bắn Dĩnh Khảo Thúc chính là Công Tôn Át và ông đã nhập hồn vào thân xác của gã để thú nhận hết mọi việc. Cảm phục tài năng và khí tiết của Dĩnh Khảo Thúc, Trịnh Trang công cho người lập miếu ở Dĩnh Cốc (潁谷) để dân nước Trịnh thờ phụng ông.

Ngày nay ở thành phố Đăng Phong, tỉnh Hà Nam (cũng chính là Dĩnh Cốc trước đây), có một ngôi đền được gọi là "Dĩnh Đại Phu Miếu" (穎大夫廟) hay còn được biết dưới cái tên là "Thuần Hiếu Miếu" (純孝廟).